THƯ GỬI ÔNG SINNETTE
Thư Gửi Ông Sinnett (tt)
The Mahatma Letters to A.P. Sinnett
Hỏi 9. Có phải quầng sáng của mặt trời (corona) là bầu khí quyển của nó ? Nó có chất hơi nào ta biết chăng ? và tại sao nó có dạng là các tia mà ta luôn luôn thấy lúc có nhật thực ?
Đáp 9. Gọi là bầu mầu sắc hay bầu khí quyển đều không được; vì nó chỉ là hào quang từ lực luôn luôn có của mặt trời, mà thiên văn gia thấy được chỉ một vài lúc ngắn ngủi khi có nhật thực, và vài đệ tử của chúng tôi thấy bất cứ khi nào họ muốn - dĩ nhiên là khi được đặt trong một trạng thái nào đó. Phần đối ngược với điều mà thiên văn gia gọi là tia lửa đỏ trong ‘hào quang’, có thể thấy trong tinh thể của Reichenbach hay trong bất cứ thể nào có từ tính mạnh mẽ. Đầu một người trong trạng thái xuất thần ngất ngây cao tột, khi tất cả điện trong trọn hệ thống của họ được tụ quanh não, sẽ tượng trưng - đặc biệt trong bóng tối - cho hình ảnh tuyệt hảo của mặt trời trong những lúc như thế.
Họa sĩ đầu tiên vẽ quầng sáng quanh đầu Thượng đế và các vị Thánh của họ, thì không phải được gợi hứng mà vẽ nó theo hình trong đền thờ, và theo truyền thống của thánh điện và phòng chứng đạo, nơi mà các hiện tượng này xẩy ra. Càng gần đầu hay thể phát ra quầng sáng chừng nào, thì sự tỏa sáng càng mạnh (do khí hydrogen như khoa học cho hay trong trường hợp những lưỡi lửa); do đó có những lưỡi lửa bất thường bao quanh mặt trời còn gọi là quầng sáng bên trong - inner corona. Sự kiện những lưỡi lửa này không luôn luôn hiện diện với số lượng đồng đều, chỉ cho thấy sự trồi sụt không ngừng của chất có từ tính và năng lực của nó; loại và số các điểm mặt trời cũng tùy thuộc vào sự trồi sụt đó.
Trong những lúc mà từ lực yên tĩnh, các điểm mặt trời biến mất hay đúng hơn là không thấy được. Sự tỏa sáng càng bắn ra xa chừng nào thì nó càng mất cường độ, cho tới khi mờ nhạt dần; từ đó có quầng sáng bên ngoài – outer corona, hình dạng tia của nó hoàn toàn là do hiện tượng của cái sau, mà sự tỏa sáng là do bản chất có từ tính của vật chất và điện lực, và không chút nào do các hạt hết sức nóng như vài thiên văn gia chủ trương. Tất cả những điều này thật là không khoa học chi hết, dầu vậy đó là sự kiện mà tôi có thể thêm một cái khác, bằng cách nhắc bạn rằng mặt trời mà ta thấy, thì không phải là hành tinh trung tâm của vũ trụ nhỏ bé của chúng ta chi hết, mà chỉ là cái màn che hay cái phản ảnh của nó.
Khoa học rất khó mà tìm hiểu về hành tinh đó, nhưng may thay chúng tôi không có khó khăn như vậy. Trước hơn hết là các rúng động không ngừng của bầu khí quyển của chúng ta, làm họ không xét đúng được phần ít oi mà họ thấy. Các thiên văn gia Chaldea và Ai Cập hồi xưa không gặp trở ngại này, cũng như nó không phải là trở ngại cho chúng tôi, vì chúng tôi có cách để chặn hay đảo ngược lại các rúng động ấy - bởi chúng tôi biết về mọi điều kiện akasic. Bí mật này cũng giống như bí mật về mưa - mà giả thử được chúng tôi tiết lộ - cũng không có ích lợi thực tế gì cho các khoa học gia của bạn, trừ phi họ thành huyền bí gia và hy sinh nhiều năm để thụ đắc những quyền năng.
Thử tưởng tượng một Huxley hay một Tyndall học Yog-vidya ! do vậy họ mới rơi vào nhiều lầm lẫn, và mới có những giả thuyết đối chọi nhau, của các nhân vật có thẩm quyền của bạn. Thí dụ, mặt trời đầy hơi sắt, một sự kiện được chứng tỏ với kính quang phổ spectroscope; nó cho thấy ánh sáng của quầng sáng corona, gồm phần lớn là một đường nằm trong phần xanh lục của quang phổ, gần như trùng với đường của sắt. Dầu vậy hai giáo sư Young và Lockyer bác bỏ nó, với cớ dí dỏm nếu tôi nhớ, rằng nếu quầng sáng gồm hạt li ti như một đám mây bụi (và đây là điều chúng tôi gọi là ‘chất có từ tính’) các hạt này sẽ:
1. Rơi xuống thể của mặt trời.
2. Ta biết sao chổi đi ngang qua đám hơi này mà không gặp ảnh hưởng gì.
3. Kính quang phổ của giáo sư Young cho thấy đường của quầng sáng không trùng với đường của sắt.
Chúng tôi không thể biết tại sao họ gọi những phản đối là ‘khoa học’:
1. Lý do tại sao các hạt này - vì họ gọi chúng như vậy - không rơi xuống thể của mặt trời thì tự nó hiển nhiên. Có những lực đồng hiện hữu với hấp lực mà họ không biết gì hết, ngoài sự kiện khác là nói cho đúng thì không có sức trọng trường, mà chỉ có sức thu hút và sức xô đẩy.
2. Làm sao sao chổi có thể bị ảnh hưởng khi đi ngang qua như vậy, vì việc ‘đi ngang qua’ này chỉ là ảo tưởng về thị giác; chúng không thể đi xuyên qua vùng có sức thu hút mà không lập tức bị một lực làm tiêu tan, lực mà không vril nào có thể cho ý niệm đủ, vì không gì trên địa cầu có thể so sánh với nó. Bởi sao chổi đi ngang qua cái ‘phản ảnh’, chẳng có gì lạ khi hơi bụi ấy ‘không cho ra ảnh hưởng nào thấy được cho các thể sáng này’
3. Đường của quầng sáng có thể dường như không trùng với đường của kính quang phổ (grating spectroscope) tốt nhất, tuy nhiên quầng sáng có chứa sắt cũng như các hơi khác. Cho bạn biết nó có chứa những gì chỉ vô ích, vì tôi không thể dịch chữ chúng tôi dùng cho nó, và chất như vậy chỉ có trong mặt trời mà không hiện hữu chỗ nào khác, ít nhất không có trong thái dương hệ.
Sự thật là vật mà bạn gọi là mặt trời chỉ là phản ảnh của ‘nhà kho’ khổng lồ của thái dương hệ, TẤT CẢ lực của nó được sinh ra và trữ trong đó; mặt trời là tâm não của vũ trụ nhỏ bé của chúng ta, ta có thể so sánh các thể (faculae) - hằng triệu các thể nhỏ, cực chói lọi này tạo nên bề mặt của mặt trời, cách xa điểm mặt trời - như huyết cầu của vầng thái dương, tuy khoa học đoán đúng là một số thể như vậy to bằng Âu châu. Những huyết cầu này là chất có từ tính ở trạng thái thứ sáu và thứ bẩy.
Những dải trắng dài xoắn lại như dây thừng, tạo thành penumbra của mặt trời, là gì ? Phần ở giữa trông như một lưỡi lửa khổng lồ tận cùng bằng chóp nhọn lửa bừng bừng, và những đám mây trong suốt hay đúng hơn là hơi họp thành những sợi mỏng manh mầu sáng bạc vắt ngang qua các tia lửa này - chỉ là hào quang điện từ - là phlogiston của mặt trời ? (Xin đọc lại PST 75 về phlogiston, t.11)
Khoa học có thể cứ suy đoán luôn, nhưng bao lâu nó không từ bỏ hai hay ba lỗi chính yếu của mình, thì sẽ thấy cứ mò mẫm hoài trong bóng tối. Vài ý niệm sai lạc lớn nhất của khoa học thấy trong quan điểm giới hạn của nó về luật hấp dẫn; lời phủ nhận của nó rằng vật chất có thể bất khả tư nghị, chữ ‘lực’ nó mới sáng chế ra và ý tưởng kỳ dị mà mặc nhiên được chấp nhận, rằng lực có thể hiện hữu như là vậy - per se, hay có thể tác động hơn sự sống, bên ngoài, độc lập với, hay bằng cách nào khác hơn là qua vật chất; nói khác đi lực không là gì ngoài vật chất ở một trong những trạng thái cao nhất của nó; khoa học phủ nhận ba cái trên cùng xếp từ dưới đi lên. vì nó không biết gì về chúng; và nó hoàn toàn không biết gì về Proteus thiên hình vạn trạng có khắp nơi, phận sự và tầm quan trọng của cái sau trong cách làm việc của thiên nhiên - là từ lực và điện lực.
Nói cho khoa học biết rằng ngay cả vào thời suy tàn của đế quốc La Mã, khi người ở Anh dâng phẩm vật triều cống cho hoàng để Claudius là xâu chuỗi hạt hổ phách - ngay cả khi ấy có những người tách biệt với đám đông vô đạo đức, họ biết nhiều về điện lực và từ lực hơn các khoa học gia ngày nay, và khoa học sẽ cười chua chát như bây giờ họ cười sự quí chuộng tốt đẹp bạn dành cho tôi. Thực vậy, khi các thiên văn gia của bạn nói về chất của mặt trời, gọi các ánh sáng và lưỡi lửa là ‘đám mây hơi’ và ‘các hơi mà khoa học chưa biết’ (thiệt là !) bị cuồng phong vĩ đại và lốc đuổi, thì chúng tôi biết ấy chỉ là chất có từ tính ở trạng thái hoạt động bình thường của nó, chúng tôi muốn cười nhẹ với cách diễn tả đó.
Ai có thể tưởng tượng là ‘lửa mặt trời được nuôi bằng khoáng chất ròng’, với vẫn thạch có hydrogen nhiều điện lực cho ‘mặt trời bầu khí quyển lan rộng của khí bị đốt cháy’ ? Chúng tôi biết mặt trời vô hình làm bằng chất không có tên, mà cũng không thể so sánh được với bất cứ điều gì mà khoa học của bạn biết trên mặt đất; và ‘phản ảnh’ của nó còn chứa càng ít hơn những chất như ‘chất hơi’, khoáng chất, hay lửa, tuy khi bàn về nó dùng ngôn ngữ văn minh của bạn, chúng tôi bắt buộc phải dùng chữ như ‘chất hơi’ và ‘chất có từ tính’.
Để chấm dứt đề tài, thay đổi của quầng sáng không cho ảnh hưởng gì đối với khí hậu, tuy các điểm mặt trời có ảnh hưởng - và giáo sư N. Lockyer rất là sai với những suy diễn của ông. Mặt trời không là chất đặc hay chất lỏng, cũng không phải là một bầu hơi mà là một trái banh vĩ đại gồm các lực điện từ, nhà kho của sự sống và chuyển động khắp nơi; từ đây sự sống rung nhẹ lan ra mọi hướng, nuôi dưỡng từ hạt nguyên tử nhỏ bé nhất tới thiên tài vĩ đại nhất, với cùng chất liệu cho tới cuối của thời kỳ Maha Yug.
Hỏi 10: Phải trị giá hình chụp đo ánh sáng mà ngôi sao phát ra, là chỉ dẫn an toàn cho độ sáng của nó, và có đúng là khoa học, vì chưa biết nhiều hơn faute de mieux, có lý thuyết cho rằng tính theo mỗi dặm vuông thì bề mặt của mặt trời phát ra ánh sáng nhiều như bất cứ bề mặt nào khác ?
Đáp 10: Tôi không tin vậy. Các vì sao cách xa chúng ta ít 500.000 lần so với mặt trời, và có ngôi còn ở xa nhiều lần hơn thế. Việc tích tụ mạnh mẽ chất vẫn thạch và các chấn động của bầu khí quyển luôn luôn có đó làm cản trở. Nếu các thiên văn gia của bạn có thể lên tới độ cao của bụi vẫn thạch, với viễn vọng kính của họ … họ có thể tin tưởng hơn là bây giờ với những quang kế photometer. Làm sao họ làm được ?
Viễn vọng kính trên địa cầu không thể đo cường độ thực của ánh sáng ấy - do đó không có căn bản đáng tin để tính độ sáng và khoảng cách - cũng như cho tới nay họ không có một thí dụ nào (ngoại trừ một sao trong chòm Cassiopeia), là sao nào tỏa sáng do phản chiếu, và sao nào do chính ánh sáng của nó. Quang kế tốt nhất cho sao kép - double star thì không đúng.Tôi biết chắc điều này ít nhất vào xuân 1878 khi xem những quan sát dùng quang kế Pickering. Sai biệt khi quan sát một ngôi sao (gần Gamma Ceti) có lần lên tới nửa độ. (Độ sáng các ngôi sao chia ra độ 1 là sáng nhất, rồi 2, 3 v.v. mờ hơn. Các hành tinh có độ sáng âm).
Đủ loại quang kế chỉ mới khám phá một hành tinh bên ngoài thái dương hệ (thư viết năm 1882), trong khi chúng tôi chỉ với mắt thường bằng tinh thần biết có nhiều hành tinh như vậy; mỗi ngôi sao (là mặt trời) khi trưởng thành hoàn toàn thì có một số hành tinh đi kèm, giống như thái dương hệ của chúng ta. Thử nghiệm nổi tiếng ‘sự phân cực của ánh sáng’ thì cũng đáng tin như tất cả thử nghiệm khác. Lẽ tự nhiên là chỉ việc chúng khởi đầu từ căn bản sai không thể làm kết luận hay tiên đoán thiên văn của chúng sai lầm, vì cả hai tính toán đúng theo cách của chúng, và đáp đúng cho mục tiêu của chúng. Người Chaldea xưa và các tiền nhân của chúng tôi. không có viễn vọng kính của các bạn lẫn quang kế, thế mà tiên đoán thiên văn của họ không có chút sai lầm; những lỗi - đúng ra thật nhỏ bé - mà khoa học gia hiện đại gán cho họ, sinh ra do lỗi lầm của người sau.
Bạn chớ nên than phiền về những câu đáp quá dài của tôi cho các thắc mắc rất ngắn của bạn. Vì tôi trả lời để chỉ dạy bạn như là học viên khoa huyền bí học, đệ tử ‘tại gia’ của tôi, mà không phải để trả lời cho báo Journal of Science. Tôi không là khoa học gia theo nghĩa khoa học đương thời hay có liên can gì với nó. Sự thật là mức hiểu biết của tôi về khoa học tây phương của bạn rất là giới hạn, và xin bạn nhớ cho rằng tất cả những trả lời của tôi dựa trên, và lấy từ triết lý huyền bí đông phương của chúng tôi, bất kể là chúng thuận hay không thuận với câu đáp của khoa học chính xác. Vì vậy tôi chỉ xin nói là:
(Ông Sinnett đặt câu hỏi về khoa học, từ đó tới nay hơn đã hơn trăm năm, khoa học có nhiều khám phá và hiểu biết hơn, nên câu hỏi và câu trả lời nói chung đã mất thời gian tính và không còn hợp thời. Do đó ta sẽ lược bỏ những phần nào không cần thiết để hiểu thư. Lại nữa ta cần nhớ là ông hỏi theo quan điểm duy vật, còn đức K.H. trả lời theo quan điểm tinh thần; khi nhìn câu hỏi và câu trả lời theo cách ấy thì ta sẽ hiểu rõ ý mỗi nhân vật và học được nhiều hơn.)
… Tất cả những gì khoa học gia có thể nói, là cho tới nay cách tính của họ đúng (về vận tốc ánh sáng). Nhưng nếu họ có thể đo ánh sáng bên trên bầu khí quyển của chúng ta, họ sẽ mau lẹ thấy rằng mình sai.
Hỏi 11. Jupiter là một thiên thể nóng và chói sáng phần nào, sự xáo trộn dữ dội của bầu khí quyển trên hành tinh là do đâu mà ra ? vì có lẽ năng lực mặt trời không can dự vào chuyện.
Đáp 11. Nó có lúc này, nhưng đang thay đổi mau lẹ. Tôi tin khoa học của bạn có giả thuyết, là nếu trái đất thình lình được đặt vào một nơi cực lạnh - thí dụ như nó đổi chỗ với Jupiter - thì tất cả biển và sông của chúng ta sẽ đột nhiên biến thành núi cứng đặc; không khí - hay đúng hơn là một phần chất hơi tạo nên không khí - sẽ biến từ tình trạng chất lỏng vô hình vì không có nhiệt thành chất lỏng (mà nay có trên Jupiter nhưng người ta không biết gì trên trái đất). Hãy nhận biết, hay ráng tưởng tượng tình trạng ngược lại, và bạn sẽ thấy đó là cảnh của Jupiter hiện thời.
Trọn thái dương hệ của ta đang chuyển vị trí của nó trong không gian một cách tinh tế không cảm nhận được. Khoảng cách tương đối giữa các hành tinh thì vẫn giữ y vậy, và không bị ảnh hưởng gì do sự dời chỗ của trọn hệ thống; rồi khoảng cách giữa cái sau với các ngôi sao và những mặt trời khác không ước lượng được, nên chỉ sinh ra thay đổi gần như không cảm biết được, trong hàng thế kỷ và mấy ngàn năm tới, không thiên văn gia nào sẽ cảm nhận điều ấy với kính viễn vọng, trừ phi Jupiter và những hành tinh khác, như là các điểm sáng bị hằng triệu vì sao khác (chừng 5.000 hay 6.000) che khuất trong tầm nhìn của chúng ta, đột ngột cho ta hé thấy vài Raja Sun (đại mặt trời) mà chúng đang che khuất.
Có một vì sao vĩ đại như thế nằm ngay sau Jupiter, mà không mắt phàm nào thấy được trong Cuộc tuần hoàn (Round) này của chúng ta. Nếu có thể thấy được và cho dù bằng viễn vọng kính tốt nhất, có khả năng phóng đại đường kính mặt trời ấy mười ngàn lần, nó vẫn chỉ hiện ra như là một chấm cực nhỏ không có kích thước, bị sức sáng của bất cứ hành tinh nào làm mờ khuất vào bóng đen; dầu vậy ngôi sao ấy to hơn Jupiter mấy ngàn lần.
Sự xáo trộn dữ dội của bầu khí quyển trên Jupiter, và ngay cả đốm đỏ trên đó làm khoa học thắc mắc, là do:
1. Sự chuyển di nói ở trên, và
2. Ảnh hưởng của đại mặt trời này.
Do vị trí hiện thời của nó, dù rằng chỉ được cảm nhận rất ít, những chất kim loại là thành phần cấu tạo chính của ngôi sao đang giãn nở, và dần dần chuyến biến chúng thành chất lỏng ở dạng hơi aeriform fluids - là tình trạng của trái đất chúng ta và sáu bầu đi kèm trước Cuộc tuần hoàn thứ nhất - và trở thành một phần của bầu khí quyển của nó.
Hãy suy đoán và diễn dịch thêm ra, người đệ tử ‘tại gia’ của tôi, nhưng khi làm vậy đừng để người giảng viên hèn mọn của bạn và triết lý huyền bí, phải bị hy sinh trên bàn thờ của Nữ thần giận dữ của bạn - là khoa học đương thời.
Hỏi 12. (Câu hỏi về lý thuyết khoa học Siemens đã mất thời gian tính nên ta không ghi lại. Do vậy, phần trả lời chỉ dịch những gì xét ra hữu ích.)
Đáp 12. Lý thuyết về năng lực mặt trời của ông Siemens không đúng, vì mặt trời của chúng ta chỉ là một phản ảnh. Sự thật lớn lao duy nhất mà ông đưa ra, là khoảng không gian giữa các vì sao trong vũ trụ, có đầy vật chất hết sức mỏng manh như trong ống chân không, kéo dài từ hành tinh này sang hành tinh kia, từ ngôi sao này tới ngôi sao nọ… Mặt trời cho ra mọi điều và không lấy lại điều chi từ thái dương hệ của nó. (Có giải thích cho rằng ý này muốn nói đến việc nhiệt do mặt trời phát ra, là từ phản ứng hạch tâm bên trong mặt trời, và do đó không cần, và không phải từ năng lượng bên ngoài)…
Không có gì từ bên ngoài thái dương hệ có thể đến mặt trời dưới dạng chất liệu thô kệch như ‘chất hơi mỏng manh’. Mỗi một chất liệu trong trọn bẩy trạng thái của nó, đều cần thiết cho sức sống của vô số các hệ khác nhau - như các thế giới đang thành hình, các mặt trời đang tỉnh giấc trở lại v.v. và chúng không có dư để san sẻ ngay cho lân bang tốt nhất và họ hàng. Chúng là mẹ ruột, không phải mẹ kế, và sẽ không lấy đi dù một hạt cơm phần để nuôi con mình.
Lý thuyết mới nhất về năng lực tỏa sáng cho thấy nói cho đúng thì không có vật gì là ánh sáng hóa học trong thiên nhiên, hay tia nhiệt là vật gần đúng nhất. Bởi quả thật chỉ có một năng lực tỏa sáng bất tận, không tăng không giảm và sẽ tiếp tục việc tự sinh sôi của nó, cho tới ngày cuối của thời kỳ sinh hoạt manvantara của mặt trời. Trái đất hấp thu lượng rất lớn của lực của mặt trời, nhưng chỉ bằng 25% lực hóa học của các tia mặt trời, 75 % kia bị thất thoát khi chúng đi xuyên thẳng qua bầu khí quyển, kể từ lúc chúng chạm vào đường biên ngoài của ‘bể không khí’. Và ta nghe là ngay cả những tia này mất đi khoảng 20% do việc chiếu sáng và tỏa nhiệt. Với mức phí phạm nhiều như vậy, thì khả năng phục hồi của mặt trời phụ mẫu của ta phải lớn lao tới dường nào ? Phải, bạn muốn gọi đó là ‘Năng Lực Tỏa Sáng’ thì cứ gọi, còn chúng tôi gọi đó là Sự Sống - sự sống tràn khắp, có ở mọi nơi, luôn miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm vĩ đại của nó - là Vầng Thái Dương.
Hỏi 13. Có manh mối nào về sự thay đổi của từ lực, như thay đổi hằng ngày ở nơi nào đó chăng ? … Các Tôn Sư của ngài có can dự vào tình trạng này không ?
Đáp 13. Các khoa học gia của bạn không thể cho ra một manh mối nào, lòng tự mãn của họ khiến họ nói như thế chỉ với ai mà chữ từ lực xem ra đầy bí ẩn, và ai như vậy cho rằng mặt trời - vì là thỏi nam châm khổng lồ - sinh ra ánh sáng, nhiệt, và là nguyên do sinh ra các thay đổi của từ lực thấy trên địa cầu. Họ nhất quyết làm ngơ, và do đó bác bỏ thuyết mà ông Jenkins của hội R.A.S. đưa ra, về sự hiện hữu của những cực từ lực bên trên bề mặt trái đất.
(còn tiếp)